Nói đến vùng đất Hà Tĩnh, trước tiên là nói đến Núi Hồng với 99 ngọn vút cao trùng điệp. Vào năm Minh Mệnh thứ 17, Núi Hồng được khắc vào Anh Ðỉnh là một biểu tượng của thiên nhiên Việt Nam. Quanh Hồng Lĩnh là cả một kho báu về những câu chuyện huyền bí và hấp dẫn.
Tương truyền xưa vua Kinh Dương Vương lập đô thành đầu tiên ở đây và cưới cô con gái xinh đẹp của vùng Ngàn Hống sinh ra Long Vương tức Lạc Long Quân...
Một trong những thắng cảnh của Hồng Lĩnh là Chùa và Hồ Thiên Tượng đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh quốc gia.
Chùa Thiên Tượng thuộc xã Trung Lương, nằm trên ngọn núi Thiên Tượng. Chùa được dựng vào đời Trần, vốn là một thắng cảnh đẹp, đã có nhiều tao nhân mặc khách đến và để lại những bài thơ nổi tiếng. Phạm Sư Mạnh (thế kỷ XIV) trong bài "Sơn hành" có câu:
Hương Tượng phong cao môn bắc địa Ðồng Long hải khoát hộ nam chinh
Nghĩa là:
Hương Tượng núi cao có chùa là cửa đất bắc Thế rồng vượt biển phù trợ cuộc nam chinh
Vua Thiệu Trị khi ra bắc đã ghé vào vãn cảnh chùa và đề thơ khắc vào bia đá. Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (thế kỷ18) khi đến thăm chùa đã viết:
Trải xem thế giới khắp ba nghìn Ðồi một là đây chốn Tượng Thiên Ánh ỏi chim ca, vang tiếng kệ Nhặt khoan tiếng suối, tỏ rừng thiền
Ðến đầu thế kỷ 19, chùa Thiên Tượng vẫn là ngôi chùa đẹp, là chốn u tịch, thâm nghiêm, nhưng vào năm Ất Dậu 1885, sau biến cố kinh thành Huế, vua tôi Hàm Nghi chạy ra Sơn Phòng, Hương Khê phát động phong trào Cần Vương thì vùng Hồng Lĩnh cũng trở thành nơi hoạt động chống thực dân Pháp. Vì vậy, thực dân Pháp đã cho đốt chùa và tàn phá chùa thành phế tích. Ðến năm 1901, Tổng đốc An Tĩnh là Ðào Tấn đã cho trùng tu xây dựng lại chùa.
Chùa Thiên Tượng có thượng tịnh, hạ tịnh, có Lưu Ðức tháp và Thạch Sơn tháp, trong chùa có chuông Ðại Hồng và nhiều tượng Phật có giá trị nghệ thuật cao... Khuôn viên chùa chừng 150.000 m2 được giới hạn bởi hai suối lớn (suối Bắc và suối Nam) cả hai đều bắt nguồn từ đỉnh Thiên Tượng mà hợp thành. Ðường lên chùa được xếp đá công phu theo từng bậc như thang đá. Từ chùa nhìn xuống thị xã Hồng Lĩnh đẹp như một bức tranh.
Từ chùa Thiên Tượng theo đường chim bay về phía đông nam chừng hai km là đến Hồ Thiên Tượng thuộc địa phận phường Bắc Hồng. Hồ nằm trên độ cao 100m, được tạo thành từ nguồn nước của Suối Tiên. Hồ Thiên Tượng có hình dáng đẹp, chiều dài 650m, chiều rộng 180m, sâu trung bình 8m, nơi sâu nhất khoảng chừng 15m. Diện tích mặt hồ hơn 100.000 m2 với dung tích 800.000 m3 nước tự nhiên trong sạch. Phía đông và tây hồ là vách núi dựng đứng, quanh hồ là những dải thông xanh soi bóng xuống mặt hồ phẳng lặng tạo thành bức tranh thủy mặc độc đáo, nguyên sơ giữa một thị xã trẻ trung đang vươn mình phát triển.
Hồ Thiên Tượng không chỉ là thắng cảnh đẹp, hấp dẫn du khách mà còn là nơi tĩnh dưỡng tâm hồn, là "trung tâm điều hòa nhiệt độ" và cung cấp nguồn nước trong lành cho nhân dân thị xã.
Dưới Hồ Thiên Tượng là Suối Tiên, tương truyền đây là nơi xưa tiên tắm và còn để lại dấu chân tiên trên đá Thạch Bàn. Quanh năm Suối Tiên rì rào chảy, tạo thành bản nhạc êm đềm bên Hồ Thiên Tượng giữa núi non xanh mát ngàn thông.
Nhân dân Hà Tĩnh đã và đang làm hết sức mình để bảo vệ và khai thác các giá trị của di tích một cách tốt nhất phục vụ việc phát triển kinh tế, xã hội và du lịch. |