Phan Đình Phùng sinh ngày 4/4 năm Đinh Mùi (6/6/1847) tại làng Đông Thái, huyện La Sơn nay là làng Đông Thái, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh, vùng quê nổi tiếng có nhiều người thành đạt trên con đường khoa bảng và làm quan. Năm 30 tuổi Phan Đình Phùng đỗ cử nhân và năm sau đỗ Đình nguyên Tiến Sĩ sau đó được bổ ra làm quan. Vốn có tính cương trực liêm khiết và ngay thẳng cho nên cuộc đời ông cũng đầy sóng gió nguy hiểm có khi cả đến tính mạng.
Lúc này đất nước đang rơi vào họa ngoại xâm, triều đình Huế chia làm 2 phe chủ hoà và chủ chiến, phái chủ chiến do Tôn Thất Thuyết cầm đầu chuẩn bị lực lượng phản công, nhưng cuộc tấn công quân Pháp vào tháng 7-1885 bị thất bại. Vua Hàm Nghi xuất bôn đến Hương Khê, Phan Đình Phùng và các sĩ phu yêu nước đến yết kiến và ông được giao cho chức Thống đốc quân vụ đại thần lãnh đạo phong trào chống Pháp 4 tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Cuộc khởi nghĩa bắt đầu từ cuối năm 1885, nghĩa quân đã tự tạo được súng trường kiểu 1874 của Pháp, trang bị được hơn 500 khẩu với số đạn dược đầy đủ, con số nghĩa quân lên đến 1000 người chia thành 15 quân thứ. Dựa vào địa thế núi rừng hiểm trở để phòng thủ và chống giặc càn quét và đánh thắng nhiều trận lớn ở Phủ Quỳ, Cầu Giát (10-1890), đồn Quy Hợp - Hương Khê (3-1891) thị xã Hà Tĩnh (8-1890) gây cho quân địch nhiều tổn thất, hoang mang lo sợ.
Kể từ sau năm 1893 quân Pháp và tay sai Nam Triều tập trung lực lượng bao vây và tiến công khu căn cứ Vũ Quang, trong một trận càn Phan Đình Phùng đã bị thương sau đó hy sinh vào ngày 28-12-1895 thọ 49 tuổi. Thi hài ông được chôn dưới chân núi Qụat nhưng tên Việt gian Nguyễn Thân đã tìm được mộ ông và cho quật lên đốt thành tro cho vào thuốc súng bắn xuống dòng sông La.
Di tích mộ Phan Đình Phùng nằm trên ngọn đồi Nê Sơn, cạnh đường quốc lộ 8A, thuộc làng Đông Thái, xã Tùng ảnh, huyện Đức Thọ. Đây là nơi tưởng niệm vị anh hùng dân tộc, biểu tượng cho tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc trong phong trào chống thực dân Pháp xâm lược thời kỳ Cần Vương cuối thế kỷ XIX.
Năm 1965, khu mộ Phan Đình Phùng được tôn tạo lại khang trang như hiện nay, bao gồm 2 phần chính là khu mộ và bia. Bia làm bằng chất liệu đá Thanh có kích thước rộng 0,95 m cao 1, 59 m và dày 1, 2 m trán bia có hình bán nguyệt mặt trước và sau được chạm trổ mặt hổ phù diềm bia có các hoa văn mây, hoa lá, bia được khắc hai mặt bằng chữ quốc ngữ nêu cuộc đòi sự nghiệp và ca ngợi cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo cũng như ca ngợi nhân dân 4 tỉnh Thanh, Nghệ, Hà, Quảng đã tích cực hưởng ứng cuộc khởi nghĩa và đức hy sinh cao cả của Phan Đình Phùng. Bia do Viện trưởng Viện sử học Việt nam Trần Huy Liệu soạn lời văn.
Khu mộ, được đặt ở gần đỉnh đồi là nơi cao nhất, thoáng đãng thể hiện sự uy nghi và cung kính. Mộ Phan Đình Phùng xây theo hướng Đông - Tây, bao bọc bởi 2 lớp tường xây, cách nhau 2, 5m tường trong cao 0, 3m và tường ngoài 0, 8m. Mộ được ghép bằng đá Thanh màu xanh dài 2, 58m đỉnh cao mộ được tạo hình chóp nón, trên có hình bông sen, mặt trước thân mộ được tạo lõm hình vòm cuốn và chạm biển đề: Phan Đình Phùng ( 1847 - 1895), phía trước có đặt lư hương bằng đá cho khách viếng thăm mộ đốt hương tưởng niệm. Năm 2004-2005, khu mộ Phan Đình Phùng đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh đầu tư tu bổ tôn tạo. |