Miếu Biên Sơn nằm ở trung tâm xã Hồng Lộc(huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), phía Đông giáp xã Tân Lộc, phía Tây giáp xã Tùng Lộc, phía Nam giáp xã Hậu Lộc, phía Bắc giáp dãy núi Hồng Lĩnh.Từ thành phố Vinh theo quốc lộ 1A đi về phía Nam khoảng 31km đến thị trấn Nghèn (huyện Can Lộc), tỉnh Hà Tĩnh, rẽ hướng Đông theo đường liên hương khoảng 8km là đến miếu Biên Sơn.
Miếu Biên Sơn còn gọi là miếu Bà chúa Mậu, thờ nữ tướng Phan Thị Sơn, người con gái kiên trinh của quê hương Hồng Lộc từng ra Bắc tham gia cuộc khởi nghĩa chống giặc Minh và lập chiến công hiển hách. Bà được vua Hậu Lê phong cho đạo sắc “Thượng đẳng”, đến đời vua Tự Đức lại được phong đạo sắc “Thượng thượng đẳng”. Miếu Biên Sơn được xây dựng vào đời nhà Lê, đến năm 1913 thì được dân làng tu bổ lại do cụ Trần Khư đứng ra chỉ đạo. Miếu có diện tích 16,4m2 được làm bằng gỗ mít, cấu trúc theo kiểu trùng diêm 4 mái, lợp ngói âm dương, đầu đao cong vút, bờ nóc trang trí hình lưỡng long chầu nguyệt. Miếu Biên Sơn có 8 cột, 4 cột ngoài xây bằng vôi vữa đỡ toàn bộ phần mái của miếu, 4 cột trong bằng gỗ nâng toàn bộ bàn thờ trong miếu. Mặt trước miếu có cửa mở để đồ lễ, ba phía còn lại được che bằng ván. Trước sân miếu có thiết kế một cộng đồng bàn hàn (còn gọi là bàn thờ hội đồng). Bên tả có bàn thờ quan Văn, bên hữu thờ quan Võ, tất cả đều xây bằng vôi vữa.
Từ xưa, xã Hồng Lộc chuyên độc canh về nông nghiệp nhưng đất đai ở đây pha cát cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, nắng hạn gay gắt. Tuy khổ cực, nhân dân vẫn có tinh thần yêu nước nồng nàn, lòng tự tôn dân tộc và tinh thần hiếu học.
Cùng với thời gian, miếu Biên Sơn đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử hào hùng của nhân dân địa phương. Phát huy truyền thống của cha ông, nhân dân Hồng Lộc đã tham gia tích cực vào phong trào Văn thân, Cần Vương chống Pháp tiêu biểu có: Mai Thế Đỉnh, Phan Huân, Mai Trọng Quán, Bùi Hạo, Bùi Thuỵ, Phạm Nhỏ, Cù Đường, Nguyễn Quýnh...
Trong phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu, ở Hồng Lộc có Nguyễn Giám, ở Tân Lộc có Mai Đình Hòe đã xuất dương ra nước ngoài hoạt động.
Với sự ra đời và hoạt động của tổ chức Tân Việt, từ năm 1925-1927 những tư tưởng yêu nước của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh đã được truyền bá xuống tận địa phương. Cuối năm 1927 Tiểu tổ Tân Việt ra đời ở xã Hồng Lộc gồm có Hồ Ngọc Tàng, Hồ Nhuệ, Bùi Vinh do Hồ Ngọc Tàng làm đội trưởng. Tiểu tổ Tân Việt đã mở trường dạy học, tổ chức đọc sách báo, diễn tuồng nhằm mục đích tuyên truyền yêu nước kêu gọi nhân dân chống chính sách sưu cao thuế nặng của bọn hào lý địa phương. Cuối năm 1929, kỳ bộ Trung Kỳ Đông Dương cộng sản Đảng đã cử đồng chí Trần Hữu Thiều (quê ở Anh Sơn-Nghệ An) vào Hà Tĩnh xây dựng, phát triển cơ sở cách mạng.
Ngày 3-2-1930 Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, các Tỉnh ủy Nghệ An, Tỉnh ủy Vinh-Bến Thủy, Tỉnh ủy Hà Tĩnh lần lượt được thành lập. Phong trào cách mạng tại xã Hồng Lộc cũng phát triển mạnh hòa nhịp chung với không khí cách mạng cả nước, cả tỉnh. Tháng 3-1930, ba chi bộ cộng sản xã Hồng Lộc ra đời: Chi bộ Phù Lưu Thượng do Hồ Ngọc Tàng làm Bí thư; Chi bộ Đại Lự do Nguyễn Tánh làm Bí thư; Chi bộ Thượng Yến do Cù Huy Hằng làm Bí thư. Sau đó các tổ chức quần chúng như Nông hội đỏ, Phụ nữ, Thanh niên, Cứu tế đỏ, Tự vệ cũng được thành lập.
Miếu Biên Sơn là ngôi miếu nhỏ nhưng linh thiêng thanh vắng, được núi Bin và xóm làng che chắn, có cây cao lá dài mọc um tùm, nhiều đường lắm ngả lên xuống rất thuận lợi cho công tác hoạt động bí mật, nếu bị phát hiện người cán bộ vờ như đi lễ về để thoát khỏi sự theo dõi của địch. Vì vậy Xứ ủy, Tỉnh ủy và Huyện ủy Can Lộc đã chọn miếu Biên Sơn làm trung tâm liên lạc, hội họp, in ấn, cất dấu tài liệu của Đảng.
Bảo vệ an toàn cho cơ sở Đảng có lực lượng tự vệ đỏ địa phương do đồng chí Cù Điệt làm đội trưởng. Tại xã Hồng Lộc nhiều gia đình đã trở thành cơ sở in ấn tài liệu, nuôi dấu và bảo vệ cán bộ Đảng, tiêu biểu như gia đình ông Hồ Khoản, bà Nguyễn Thị Hoài. Các đồng chí cán bộ của Tỉnh: Trần Hữu Thiều, Võ Quê, Hoàng Khoái Lạc, Nguyễn Minh Châu, cán bộ Huyện: Trần Châu, Nguyễn Cứ, Hồ Ngọc Tàng, Bùi Khâm và Phạm Như Ý đã về đây hoạt động chỉ đạo phong trào cách mạng. Tài liệu in xong được các đồng chí Cù Huy Hằng, Cù Huy Bằng, Nguyễn Tam, Trần Xy đưa lên cất dấu ở miếu. Đồng chí Nguyễn Quýnh, cán bộ giao thông của Tỉnh thường xuyên nhận tài liệu từ miếu chuyển đến từng chi bộ trong các xã Tân Lộc, Hồng Lộc, Phú Lộc, Bình Lộc, An Lộc và huyện Nghi Xuân, Thạch Hà.
Tháng 7 năm 1930, cuộc họp mở rộng của Tỉnh ủy Hà Tĩnh do đồng chí Trần Hữu Thiều chủ trì được tổ chức tại miếu Biên Sơn. Đến dự có các đồng chí Hoàng Khoái Lạc, Võ Quê, Nguyễn Minh Châu là Tỉnh ủy viên, các đồng chí Bùi Khâm, Hồ Ngọc Tàng, Nguyễn Đình Cứ, Trần Mẹo là cán bộ huyện. Hội nghị đã ra chỉ thị phát động một cuộc đấu tranh lớn nhằm thúc đẩy phong trào cách mạng trong toàn tỉnh, lấy huyện Can Lộc làm thí điểm.
Sáng ngày 1-8-1930, kỷ niệm ngày phản đối đế quốc chiến tranh, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Can Lộc, 500 nông dân vùng Hạ Can tiến lên huyện đường dương cao khẩu hiệu: giảm sưu thuế, đánh đổ chủ nghĩa đế quốc và Nam triều phong kiến, ủng hộ Xô Nga…đồng chí Hoàng Khoái Lạc đứng lên diễn thuyết, kể tội bọn thực dân phong kiến. Đến chợ Đình, sát nhập với đoàn biểu tình Thượng Can tiến thẳng về huyện lị. Hoảng sợ trước khí thế đấu tranh của nhân dân, tri huyện Trần Mạnh Đàn ăn mặc chỉnh tề ra tận cầu Nghèn cúi đầu chấp nhận bản yêu sách của quần chúng.
Sau cuộc đấu tranh 1-8 là cuộc đấu tranh ngày 7-9-1930 với hơn 1500 nông dân vùng Hạ Can, Thượng Can biểu tình kéo lên huyện đập phá huyện đường, đốt hết hồ sơ giấy tờ, phá nhà lao giải thoát tù nhân làm cho cả huyện đường náo động. Đầu tháng 10-1930 Đại hội đại biểu huyện bộ Can Lộc họp lần thứ nhất tại nhà ông Hồ Đôi xã Hồng Lộc đã bầu đồng chí Trần Mẹo làm Bí thư.
Ngày 12-10-1930 dưới sự lãnh đạo của các đồng chí Hoàng Khoái Lạc, Hồ Ngọc Tàng nông dân Hồng Lộc kết hợp với các xã của tổng Phù Lưu và tổng Nội Ngoại tập trung tại Truông Gió biểu tình. Sau đó, quần chúng kéo về các làng xã trừng trị bọn hương hào, lý trưởng. Chính quyền Xô Viết ra đời ở các xã thôn đã đem lại những quyền lợi thiết thực cho nhân dân:
Về chính trị: Các Xô Viết ban bố quyền tự do dân chủ, quyền nam nữ bình đẳng cho người dân.
Về quân sự: Chính quyền Xô Viết xây dựng lực lượng tự vệ có 124 hội viên, phiên chế thành 3 tiểu đội ở 3 làng. Trong đội tự vệ đỏ có đội cảm tử quân do đồng chí Nguyễn Thộ làm tổ trưởng. Tự vệ đỏ có nhiệm vụ bảo vệ cơ sở Đảng, giữ gìn trật tự trị an trong thôn xóm đồng thời giám sát và trừng trị bọn mật thám làm tay sai cho Pháp. Tự vệ đỏ lấy địa điểm bãi Vàng, sườn núi Bin, giếng Chùa làm nơi luyện tập.
Về kinh tế: Chính quyền Xô Viết xóa bỏ những thứ thuế vô lý do bọn đế quốc phong kiến đặt ra như thuế thân, thuế ruộng, thuế chợ, thuế rượu; thu 87 mẫu ruộng công, 135 tạ thóc với 750 quan tiền của địa chủ và nhà giàu chia cho dân cày nghèo. Riêng tên Điệp Triển nạp 200 quan tiền, Hồ Phản nạp 10 thúng thóc cho chính quyền cách mạng tại Đình Văn Thai. Về văn hóa-xã hội: Chính quyền Xô Viết tổ chức đọc sách giảng báo nhằm tuyên truyền tinh thần cách mạng. Các lớp học chữ quốc ngữ ra đời, lúc bấy giờ có 8 lớp với 85 học viên. Việc ma chay cưới hỏi cũng được tổ chức theo nếp sống mới.
Sau một thời gian thực dân Pháp tập trung lực lượng đàn áp ng trào cách mạng. Chúng điều về đây hàng trăm tên lính, lập đồn bốt tại đình Văn Thai, truy bắt và giết hại đảng viên. Đồng chí Hồ Ngọc Tàng và Phạm Thị Dung là hai đảng viên ưu tú người xã Hồng Lộc đã hy sinh anh dũng. Mặc dù bị khủng bố gay gắt, nhân dân Hồng Lộc vẫn bảo vệ thành công Đại hội Huyện Đảng bộ Can Lộc được tổ chức vào tháng 5 năm 1931 tại nhà bà Sỹ Ý, do đồng chí Lê Hồng Cơ-phái viên Xứ ủy Trung kỳ chỉ đạo. Đại hội đã bầu ban chấp hành mới do đồng chí Trần Trực làm Bí thư.
Trong cao trào cách mạng 1939-1945, Hồng Lộc lại ra sức xây dựng lực lượng cách mạng góp phần cùng nhân dân toàn tỉnh cướp chính quyền tháng Tám năm 1945. Với những giá trị to lớn về lịch sử, năm 1991 miếu Biên Sơn đã được Nhà nước công nhận là di tích Lịch sử văn hoá Quốc gia. |