Đền Đô Đài hay đền Bùi Ngự Sử, thuộc xã Đậu Liêu, huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh. Di tích nằm cách thị trấn Hồng Lĩnh 3km về phía Nam, cách đường quốc lộ 1A về phía Đông 300m, ở chân núi Bạch Tỵ Sơn là một trong 99 ngọn núi của dãy Hồng Lĩnh.
Di tích Đền Đô Đài gắn liền với một nhân vật lịch sử trung thần Bùi Cầm Hổ - Đây là nơi ông sinh ra và lớn lên, khi hưu quan 1459 Bùi Cầm Hổ cũng sống và mất tại nơi này. Bùi Cầm Hổ sinh năm 1380, tên của ông gắn với sự tích người họ Bùi bắt được hổ. Lúc thiếu thời Bùi Cầm Hổ là cậu bé thông minh tuấn tú, gia đình và nhân dân trong vùng kỳ vọng sau này Bùi Cầm Hổ sẽ có tên trong bảng vàng làm thơm danh cho quê hương dòng tộc.
Bùi Cầm Hổ có nhiều công lao đóng góp cho đất nước trong thời kỳ đầu của nhà Hậu Lê. Ông được các sử gia phong kiến đánh giá cao, là một con người trung thực, thẳng thắn và công tâm Bùi Cầm Hổ được ba đời vua đầu của nhà Hậu Lê tin dùng, giao cho một số công việc hệ trọng: ông đã hai lần đi sứ nhà Minh, đầu niên hiệu Thái Hòa thời Nhân Tông (1443;1459). Ông kiêm làm đồng trị Tây đạo trải thăng tham tri chính sự. Trong tác phẩm “ Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú, Bùi Cầm Hổ được xếp là một trong số 18 người có công lao tài đức của thời kỳ đầu Hậu Lê . Trong cuộc đời của mình, từ lúc tại triều cho đến khi về hưu Bùi Cầm Hổ luôn đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết. Tư tưởng trung quân của Bùi Cầm Hổ rất tiến bộ, ông không sợ rơi đầu khi cán gián nhà vua không làm những điều sai trái. Một tư tưởng thâu suốt cuộc đời của Bùi Cầm Hổ là luôn nghĩ về dân, bênh vực quyền lợi của người lao động. Đến lúc về hưu lòng vẫn mưu cầu hạnh phúc cho dân bằng một công trình thủy lợi Thanh Khê, biến vùng đất Kẻ Treo, Kiệt Thạch nghèo đói thành nơi trù phú nhất vùng.
Đánh giá công lao Bùi Cầm Hổ các triều đại phong kiến đã phong nhiều sắc cho ông là “Thượng đẳng Thần”. Để ghi nhớ công lao của Bùi Cầm Hổ sau khi ông mất (1483) nhân dân lập bàn thờ và tôn ông là bậc Thánh.
Đền Đô Đài ngoài ý nghĩa gắn liền với một nhân vật lịch sử nổi tiếng Bùi Cầm Hổ đây còn là di tích chứa đựng nội dung phong phú của thời kỳ Xô Viết Nghệ Tĩnh . Đầu năm 1930 Ban chấp hành lâm thời của huyện ủy Can Lộc được thành lập. Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã cử đồng chí Thái về xây dựng cơ sở tại xã Đậu Liêu. Đồng chí Thái đã chọn đền Đô Đài làm nơi liên lạc, hội họp, vì đây là nơi vừa tiện đường giao thông, vừa đảm bảo bí mật.
Trung tuần tháng 7/1930 tại đền Đô Đài diễn ra cuộc Hội nghị thành lập Chi bộ Đảng. Từ lúc thành lập Chi bộ Đảng đền Đô Đài luôn là nơi chi bộ Đảng Đậu Liên tổ chức các cuộc hội họp, bàn biện pháp vận động nhân dân tham gia đấu tranh kỷ niệm ngày Quốc tế chống chiến tranh 1/8/1930, tiến hành cuộc biểu tình toàn huyện ngày 7/9/1930, kỷ niệm Cách mạng Tháng mười Nga 7/11/1930 và kỷ niệm cuộc bạo động Quảng Châu công xã 12/12/1930.
Kết quả các phong trào đấu tranh của quần chúng Đậu Liêu cùng với cả huyện Can Lộc đã buộc tên tri huyện Trần Mạnh Đàn phải cúi đầu chấp nhận các bản yêu sách của quần chúng, tịch thu giấy tờ, sổ sách, thiêu hủy huyện đường, buộc bọn cường hào trả lại ruộng đất, lúa tiền cho nhân dân.
Trong thời kỳ địch khủng bố, khi Tỉnh ủy Hà Tĩnh rút vào hoạt động bí mật tại dãy núi Hồng Lĩnh, ở hang Đá Bạc và hang Đá Đen để bảo toàn lực lượng, đền Đô Đài là nơi tổ chức móc nối, bắt liên lạc, khôi phục cơ sở Đảng. Thời kỳ 1940-1941, đền là nơi diễn ra Hội nghị thành lập Mặt trận Việt Minh tháng 10/1944 và nơi Mặt trận Việt Minh chỉ đạo giành chính quyền trong cách mạng Tháng Tám của tổng Đậu Liêu.
Đền Đô Đài nằm trong khu vực có nhiều di tích nổi tiếng, cách Đậu Liêu không xa là núi Ngọc Sơn nơi có đền thờ hai ông Trạng mà nhân dân địa phương còn gọi là Song Trạng Nguyên đó là: Trạng cha: Sử Hy Nhan ông đậu trạng nguyên khoa Quý mão 1363. Trạng con là Sử Đức Huy đậu trạng nguyên khoa Tân Dậu 1381. Gần đó còn có nhà thờ Hồ Bình Quốc đậu nhị giáp đồng chế khoa (1577). Ngoài ra còn có nhà thờ họ Phan, thờ Phan Cảo đậu Hoàng Giáp (1631).
Cho đến ngày nay, đền Đô Đài vẫn giữ được những nét cổ kính, phía trước là những bậc thềm đá rêu phong phủ kín. Ngoài cùng có hai cột nanh cao 2.5m, tiếp đó có hai nhà tả hữu chứa hai con voi chầu. Bước hai bậc nữa ta thấy hai cột nanh sừng sững, mỗi cột cao 4m, trên hai đỉnh cột có hai con nghê chầu. Hai bên cửa có hai vị tướng cầm gươm hình dáng dữ tợn cao 1.8m. Nhìn bao quát từ ngoài đền Đô Đài có kiến trúc hình “chữ Tam”, mái lợp ngói vảy, từ đó chúng ta mới thấy hết dáng vẻ đường bệ uy nghi cổ kính của đền.
Đi dọc theo sân ta bước vào nhà Bái đường, bước tiếp qua một khoảng sân lát gạch chúng ta vào Trung điện. Nhà có ba gian hai hồi, chiều dài 9,2m cao 3,97m rộng 6,24m . Nhà có 12 cột lim, cột lớn có chu vi 0,89m, cột nhỏ 0,67m. Trung điện có kiến trúc phức tạp hơn Hạ điện, văng và xà có hoa văn chạm trổ hình hoa lá, trang trí nội thất gồm có: 2 con hạc, có đao, bát xà mâu, giữa nhà có hai gương vuông chạm rồng phượng, phía trong có hương án chạm trổ tứ linh kỳ công và có giá trị nghệ thuật cao. Qua một sân nhỏ lát gạch là vào nhà Thượng điện – là ngôi nhà gỗ lim 3 gian, 2 đốc, có 8 cột lớn chu vi cột lớn 0,97m, chiều dài thượng điện 7,29m, rộng 5,94m. Trang trí nội thất ở chính giữa đặt trang trọng Long Cung, Long Đình, Long Mai thờ bài vị, viết công đức thành tích của Bùi Cầm Hổ. Tất cả đều sơn son thiếp vàng trông cổ kính đẹp đẽ một cách trang trọng. Ngoài ra đền còn có 12 sắc phong của các triều đại phong kiến phong cho Bùi Ngự Sử, các trang phục, áo mũ, đai vòng…là hiện vật quý hiếm để chúng ta có điều kiện nghiên cứu, tìm hiểu về trang phục quan lại thời xưa.
Hàng năm, đền Đô Đài có hai lần lễ hội lớn. Lễ hội báo ân tổ chức ngày 12/1 âm lịch - lễ hội chính được tổ chức rất trang trọng để ghi nhớ công ơn của Bùi Cầm Hổ. Lễ hội thứ hai được tổ chức ngày 20/9 âm lịch là ngày mất của ông. Thông qua các cuộc lễ hội nhằm giáo dục truyền thống đối với đông đảo quần chúng địa phương. Đó cũng là những hoạt động thiết thực góp phần làm phong phú thêm di tích đền Đô Đài.
Đền Đô Đài không chỉ là một di tích gắn liền với một danh nhân Bùi Cầm Hổ nổi tiếng đương thời, mà còn là di tích quan trọng trong tiến trình lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc ta kể từ ngày có Đảng. Ngoài ra đền Đô Đài còn mang kiến trúc nghệ thuật cao. Với ý nghĩa lịch sử và nghệ thuật kiến trúc, năm 1992 đền Đô Đài được Bộ Văn hóa xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia |