Từ cầu Bến Thuỷ theo quốc lộ 1A đi về hướng Nam 4km, rẽ phải, đi tiếp 200m nữa du khách sẽ thấy dưới chân núi Ngũ Mã, ẩn hiện trong vườn cây cổ thụ có một ngôi đền cổ kính uy nghi. Đó là đền Chợ Củi, còn gọi là đền Củi. Đền Củi thuộc địa phận xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Đến với đền Củi có thể đi bằng đường bộ, đường sông đều thuận lợi.
Trên mặt Tiền ở nhà hạ điện dài 9m, rộng 0,6m của ngôi đền có 4 chữ hán to: “Thánh mẫu linh từ”. Nghiên cứu các tài liệu thành văn và khảo sát thực địa, có thể khẳng định vị thần được thờ chính trong đền Củi là thánh mẫu Liễu Hạnh. Hiện nay chưa tìm được niên đại ra đời của đền Củi. Khi Lê Khôi đến trấn thủ ở Nghệ An đã thấy có ngôi đền này nhưng quy mô còn rất nhỏ và lợp tranh. Sau nhiều lần trùng tu tôn tạo đền mới được lợp ngói. Diện mạo ngôi đền Củi ngày nay, có phong cách kiến trúc đậm đà dấu ấn thời Nguyễn.
Để nhớ công ơn ông Lê Khôi, người đưa lại cuộc sống ấm no cho mình nên sau khi ông mất (1446), nhân dân lập bài vị ông đưa vào phối thờ ở đền. Trong đền Củi còn thờ cả Hưng Đạo Vương, nhân dân tôn kính gọi là Đức Thánh Trần. Khuôn viên đền có diện tích rộng 1.040 m2 từ bờ sông Lam đi vào lần lượt có Tam quan, hồ Bán nguyệt, sân ngoài, sân trong (sân hạ điện), hạ điện, trung điện, thượng điện. Miếu cô Chín và bia đặt ở góc trái và góc phải phía trước sân ngoài. Hai góc phía trước sân trong là miếu Cô, miếu Cậu. Ba miếu trên đều thờ quân gia, thế thần của đức thánh mẫu Liễu Hạnh. Tam quan cùng với hệ thống miếu Cô, miếu Cậu tạo thành đai khép kín tách khu nội thất và ngoại thất thành 2 phần chính phụ rõ rệt. Cấu trúc các phần chính, phụ, thượng, hạ, tả, hữu, tiền hậu được bố trí theo một trục chính dọc theo tâm đỉnh cao dần về phía sau. Công trình vừa có tính liên hoàn, vừa tách biệt. Đây là kiểu thức kiến trúc khá phổ biến của đền chùa Việt Nam cuối Lê đầu Nguyễn. Tam quan khá uy nghi, cửa chính giữa có trụ cao 2,85m xây kiểu chồng diêm. Trên cùng có 2 con rồng cách điệu chầu nhau. Từ Tam quan đi vào 8m là hồ Bán Nguyệt. Hạ điện gồm 3 gian, 4 vì, 8 cột bằng lim. Tại gian giữa hạ điện có đặt Long ngai và tượng Hưng Đạo Vương trong tư thế ngồi.
Trung điện gồm 3 gian, 2 hồi, gian chính giữa gồm một bức tượng trong tư thế ngồi, đó là tượng Chiêu Trưng đại Vương Lê Khôi. Thượng điện nhỏ và cao hơn trung điện và hạ điện. Thượng điện là nơi cung kính nhất, đặt bàn thờ tam toà thánh mẫu gồm có 3 bức tượng làm bằng gỗ quý được sơn son thiếp vàng đang ngồi, mắt sáng, tai to, vẻ mặt trung hậu. Bàn thờ bên trái đặt một pho tượng, nhân dân gọi là tượng ông Hoàng Mười. Hàng năm ở đền Củi có 3 ngày đại lễ: ngày 3/3 âm lịch giỗ Đức thánh mẫu Liễu Hạnh; ngày 20/8 âm lịch giỗ Hưng Đạo Vương; ngày 10/10 âm lịch lễ hội Đức thánh Hoàng Mười. Đền Củi đã được Bộ Văn hoá Thông tin ra Quyết định số 57/QĐ-VH ngày 18/1/1993 xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia. |