Ẩm thực Gia Lai luôn phảng phất chất hoang sơ của một vùng đất đại ngàn hùng vĩ.
Gia Lai, vùng đất đại ngàn hùng vĩ, cuốn hút du khách khắp nơi không chỉ bởi không khí tuyệt vời sơn cước mà còn bởi văn hóa ẩm thực khác lạ, đậm chất Tây Nguyên hoang dã.
Phở khô Gia Lai
Dân sành ăn Sài Gòn không mấy ai không biết món “phở hai tô”. Đây chính là tên gọi khác của phở khô, xuất xứ từ Gia Lai. Đã từng là một trong 10 món ăn xác lập kỷ lục châu Á, phở khô như một nét duyên dáng xứ núi góp phần vào ẩm thực Việt.
Gọi là phở nhưng bánh phở của món này thật khác biệt, không to bản và dễ bở mà giống sợi hủ tiếu dai mềm hơn. Thay vì phục vụ chung nước và cái, phở khô đặc biệt bởi cách chia riêng phần nước dùng và sợi phở thành hai tô.
Nước thanh ngọt từ xương heo được ninh khéo léo, không hôi, không đục kết hợp với phần cái gồm sợi phở trụng qua, thêm một số gia vị, nguyên liệu phụ như giá đỗ, thịt heo, thịt bò bằm, thậm chí cả bò viên làm món ăn hài hòa và nhiều vị.
Phở khô Gia Lai ở Sài Gòn vốn đã được lòng thực khách, nhưng thưởng thức tại chính quê hương của nó mới thật cảm nhận hết cái ngon, sự thích thú đầy dư vị.
Phở khô Gia Lai từ núi xuống đồng bằng, nơi đâu cũng được chào đón! (Ảnh: Internet)
Bún mắm cua
Cái gì liên quan đến mắm là người ta nghĩ ngay đến mùi. Chính xác! Bún mắm cua - một trong những món ngon Gia Lai cũng cực kỳ kén người ăn do mùi không phải ai cũng ưa, cũng chịu, nhưng nếu ăn được rồi thì thật khó mà quên cái nồng gắt và chan chát đặc trưng.
Bún mắm cua nổi tiếng ở Gia Lai nhưng nghe nói, lại do người Bình Định lên đây định cư sáng tạo ra. Bún được nấu từ cua đồng. Thay vì làm ngay ăn liền như bún riêu bình thường, nước lọc từ thịt cua cho món này phải được ủ khoảng một ngày đêm cho đến khi lên men, tạo mùi… khó ngửi.
Bún mắm cua, mùi khó quen vô cùng nhưng đậm đà và không thể nhầm lẫn nếu đã thử (Ảnh: Internet)
Sau đó, cho thịt ba chỉ xào săn, gia vị vào, nước sôi lên thì thêm măng là xong phần nước dùng. Lúc ăn, chan bún với nước dùng, bên trên bỏ vài miếng bì heo hoặc phồng tôm giòn tan, vắt chút chanh vào cho vị dễ ăn hơn.
Tuy thế, ít người cảm nhận được hết vị tê tê, cay cay, lại giòn, mặn mòi của món ăn bởi thường mùi đậm đặc khiến thực khách dè chừng và có thể quên đi các cảm nhận khác nên người ta chỉ thường thử một lần rồi thôi. Nhưng nếu đến Gia Lai mà không dùng bún mắm cua thì cũng phí một dịp trải nghiệm.
Canh lá bép
Người dân nơi miền đất đỏ bazan, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số đã tìm ra vô vàn loại cây lá lạ lùng có vị đặc biệt. Lắm khi, chẳng nơi đâu có được ngoài rừng núi ở đây. Một trong số những rau rừng được biết đến nhiều nhất suốt những năm tháng chiến tranh cho đến ngày nay khi nhắc đến Gia Lai là lá bép.
Lá bép nấu canh suông, canh cá, canh cua… đều ngon vì mang hương núi (Ảnh: Internet)
Loại lá rừng kỳ lạ có vị ngọt lợ nên được người dân gọi với cái tên dân giã: lá mì chính. Nếu vội, chỉ cần hái lá bép, rửa sạch nấu nồi canh suông cùng muối, nước lã là đã có cái chan chan, húp húp ngon lành.
Sang hơn, làm món canh cua lá bép, ngon không kém canh cua rau đay mồng tơi của miền đồng bằng. Lá bép nấu với cá vừa làm cho nước ngọt, cá thêm đậm đà, bổ dưỡng, lại thanh mát và thơm mùi rừng khó quên.
Người lần đầu lên đây tò mò muốn thử, những người đã từng sống và chiến đấu một thời vùng rừng thiêng, nước độc khi ăn canh cua lá bép dễ nhớ một thời hoa lửa, đói kém mà đầy lòng tin.
Vì thế, đến Gia Lai rồi nhớ ăn canh lá bép để biết một món ăn đi cùng thời gian từ ngày thiếu thốn cho đến lúc được đem vào thực đơn các nhà hàng lớn, rồi cảm nhận sự ngon lành chất núi hiếm thấy.
Thịt bò một nắng
Bò một nắng hai sương - món ngon Gia Lai, cái tên nghe lạ lạ và gợi trí tò mò của nhiều người. Đây không chỉ là món ăn ngon cho dân nhậu mà còn là món quà mang về cho những người đi xa, sau mỗi chuyến du ngoạn hay một chuyến công tác và thích ẩm thực nơi này.
Điều quan trọng nhất cho ra món ngon là khâu chọn nguyên liệu. Bò một nắng hai sương muốn không dai, không cứng phải tìm lựa bò tươi, mới mổ, không quá già hay quá non mới đạt.
Thịt bò một nắng tưởng là làm đơn giản nhưng không hiểu sao chỉ Gia Lai mới có ngon như vậy! (Ảnh: Internet)
Thịt bò ấy đem về sơ chế, lạng theo chiều dọc thớ, để to, dày rồi ướp các loại gia vị như mắm muối, tiêu, sả, bột ngọt, ớt hiểm. Cứ thế mang đi phơi nắng, chỉ một nắng là được. Hoặc giả có ngày thất thường nắng yếu, người làm sẽ sấy bằng lò than chứ không đem phơi buổi thứ hai.
Khi nướng, làm sao cho vừa đều, hơi đậm màu là được, lâu hơn sẽ khiến thịt cứng, mất vị, khô. Bò chín rồi dùng tay xé, chấm từng miếng với các loại nước chấm, đặc biệt hợp nhất là muối kiến vàng ngon khôn tả.
Muối kiến vàng
Loại muối độc nhất vô nhị - món ngon Gia Lai, làm từ loại kiến vàng rừng vùng Ayun Pa, Krông Pa (Gia Lai) có thể khiến nhiều người lắc đầu nguầy nguậy khi nhìn. Nhưng nếu đã nếm qua hương vị hoang sơ này một lần thôi, sẽ hiểu vì sao, lên Gia Lai, nhất định mua muối kiến vàng về làm quà hoặc ăn dần.
Muối kiến vàng hợp nhất với các món thịt nướng (Ảnh: Internet)
Để làm món này, người dân phải đi tìm bắt kiến vàng, loài sống sâu trong rừng. Sau đó, đem rang sơ, rồi đem giã với ớt cay thật cay, cộng thêm vài loại lá rừng, muối hột, thế mà thành một thứ chấm thịt nướng tuyệt vời.
Vị mặn riêng của kiến cùng với axit trong bụng chúng chua chua như muối và chanh kết hợp cái cay ớt, hăng hăng của thân kiến và nhiều lá lạ, rất cuốn hút.
Thông thường, bò một nắng phải đi kèm muối kiến vàng này là bộ đôi hoàn hảo khó thay thế. Ngoài ra, nó cũng hợp với các loại trái cây ngon lành hay ăn với cơm nóng, thịt luộc nữa.
Cá chốt
Rủ nhau lên núi ăn cá thì quả lạ tai, nhưng đúng thật, cá nơi này khác hẳn phía đồng bằng, nhất là cá chốt vùng sông Ba, sông Ayun phía Nam Gia Lai. Loài cá này thích bơi ngược dòng nên cơ thể săn chắc, cho thứ thịt dai, ngon, lại thơm.
Chúng nhỏ thôi, chỉ từ khoảng 1 kg đổ lại nhưng đáng công tìm kiếm. Từ nấu chua, kho tộ đều hấp dẫn. Cứ mấy món đơn giản ấy mà ăn với cơm nóng dẻo thì không biết bao nhiêu cho vừa.
Tháng 8, tháng 9 âm lịch là mùa lũ, các chú cá chốt ngược dòng nhiều nên thịt ngon thơm nhất trong năm (Ảnh: Internet)
Nhưng còn nguyên vị hoang dã phải là cá chốt nướng. Không cần tẩm ướp gia vị, cứ cá tươi làm sạch đưa lên than hồng, nướng đều hai mặt, cho chín từ từ là đã đủ làm điêu đứng bao cái dạ dày.
Cá chốt nướng ngon từ da đến thịt, từ mùi đến vị, nhất là khi ăn kèm rau sống, rau thơm, bánh tráng và muối kiến vàng hoặc muối é. Vị cay, thơm của muối hòa với ngọt béo của cá khó có món nào địch nổi. Nhất là chúng mang phong hương của đất trời Tây Nguyên, một chút dân giã, một chút nồng nàn, một chút khác lạ gây tò mò.
Chú ý khi du lịch, bạn nên xuất hành vào tháng 8, tháng 9 âm để được ăn món cá chốt ngon nhất trong năm. |